Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Trân, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), việc điều trị bệnh thận mạn chủ yếu là phương pháp điều trị nội khoa. Trong đó, chế độ ăn là quan trọng nhất, cần hạn chế đạm và các loại trái cây nhiều kali, kẽm, nước.
Khi bệnh nhân đến giai đoạn cuối thì bệnh nhân có chỉ định điều trị thay thế thận, bao gồm 3 phương pháp: ghép thận, thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Ghép thận là lấy thận của người khỏe mạnh ghép cho người suy thận giai đoạn cuối, thận ghép sẽ hoạt động như thận của người bình thường. Tuy nhiên, rất khó để tìm được người cho thận và phù hợp với người nhận, chi phí của phương pháp này khá cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải đối diện với nguy cơ thải ghép và các tác dụng phụ của thuốc thải ghép.
Phương pháp thứ 2 là thận nhân tạo, đối với phương pháp này, bệnh nhân cần đến bệnh viện 1 tuần 2 - 4 lần, thời gian chạy thận kéo dài 4 - 6 tiếng tùy tình trạng bệnh nhân. Vào ngày không chạy thận thì có thể đi lại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, trong thời gian chạy thận, bệnh nhân phải hạn chế nước, không ăn các loại trái cây nhiều kali. Trường hợp sử dụng chung máy chạy thận với bệnh nhân khác có nguy cơ nhiễm viêm gan C rất cao.
Phương pháp cuối cùng là lọc màng bụng. Màng bụng là một màng bán thấm cho nước và các chất hòa tan đi qua, chính vì vậy người ta đã lợi dụng cơ chế này để lọc các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Phương pháp này khá đơn giản, bệnh nhân sẽ được huấn luyện các kỹ thuật để trang bị hằng ngày tại nhà.
http://datttran.website2.me/blog/suy-than-cap-do-5