Viêm họng cấp là bệnh rất thường gặp, nhất khi thời tiết chuyển mùa và mùa lạnh. Trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, dễ bị mắc nhiễm khuẩn hầu họng cấp.
Viêm họng đỏ cấp chiếm 90% số ca viêm họng cấp. Rất thường gặp trong mùa lạnh khi thời tiết thay đổi. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, nhất là về mùa lạnh cơ thể chưa thích ứng hoặc hệ miễn dịch kém nên viêm họng đỏ cấp thường bắt đầu bằng sự nhiễm virút (chủ yếu chiếm 60 - 80% gồm Adénovirus, virút cúm…).
Dấu hiệu nhận biết:
Bệnh thường xảy ra đột ngột, bệnh nhân thường sốt vừa (38 - 39 độ C) hoặc sốt cao, người ớn lạnh, nhức đầu, kém ăn cảm giác khô nóng ở trong họng, dần dần đau rát trong họng nhất là khi nuốt, kể cả chất lỏng. Có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy, có thể khàn tiếng nhẹ,và thường có kèm theo chảy mũi nhầy, tắc mũi.
Khám thấy hạch góc hàm sưng và hơi đau. Toàn bộ niêm mạc họng đỏ, xuất tiết. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng đỏ mọng và có những mao mạch nổi rõ. Hai amiđan khẩu cái cũng sưng to đỏ, có khi có những chấm mủ trắng hoặc lớp nhầy trắng như nước cháo phủ trên mặt amiđan. Khám mũi thấy niêm mạc sung huyết và hốc mũi đọng xuất tiết nhầy.
Nếu là do virút, bệnh thường kéo dài 3 - 5 ngày thì tự khỏi, các triệu chứng giảm dần. Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Điều trị:
Bệnh nhân cần được khám và tư vấn dùng kháng sinh hợp lý. Điều trị tại chỗ súc họng và nhỏ mũi. Điều quan trọng bệnh nhân cần vệ sinh miệng họng và bàn tay thường xuyên giúp nhanh khỏi. Ăn uống đủ chất cung cấp các vitamin cần thiết giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
>> Viêm họng hạt có tự khỏi không?